top of page

PHÁT HUY TINH THẦN CHỦ ĐỘNG, ĐỔI MỚI TẠO ĐỘT PHÁ MẠNH MẼ TRONG THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

TTĐT - ​Chiều 12-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).​

​Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu tại trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số chiếm tỉ trọng trên 15,2% GDP trong 06 tháng đầu năm 2023. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính đến 100% xã trên toàn quốc.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Đã hoàn thành về cơ bản cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc; cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ

CSDLQG về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 Bộ, ngành, 63 địa phương, 01 doanh nghiệp Nhà nước và 03 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra nhiều tiện ích, phục vụ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như: Tích hợp thẻ căn cước công dân với thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) (đã có trên 95% cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng với gần 36,5 triệu lượt khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân); làm sạch 41 triệu thông tin tín dụng ngân hàng; bước đầu sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM với trên 17.000 lượt sử dụng; triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống.


Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các Bộ ngành, địa phương phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể.

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên gồm: Ưu phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" (dữ liệu là tài nguyên), ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các CSDLQG); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Thủ tướng cho rằng Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDLQG về dân cư. Đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới. Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, chuyển từ thụ động sang chủ động…

Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022, với 09 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần… Ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2021; đứng đầu là TP. Đà Nẵng.



Kommentare


bottom of page